BÓNG VÀ CÁC LOẠI BÓNG, ĐỘ BÓNG.
A. CÁC YẾU TỐ TẠO NÊN KHÁI NIỆM VỀ BÓNG:
1* Ánh sáng ( thiên nhiên hay nhân tạo ).
2* Vật thể được chiếu sáng.
3* Thời gian ( ánh sáng thiên nhiên ) góc chiếu, vị trí nguồn sáng ( ánh sáng nhân tạo ).
B. BÓNG LÀ GÌ?
Trước khi nói về các độ bóng, chúng ta cần xác định rõ là có hai loại bóng:
Một là: Bóng thật ngoài không gian ba chiều. Bóng này có được là hiệu quả ánh sáng thiên nhiên hay nhân tạo tác động trên vật thể. Ánh sáng chiếu trực tiếp hay gián tiếp cũng tạo ra hiệu quả các độ bóng khác nhau.
Hiệu quả của bóng trên vật thể ngoài không gian ba chiều tùy thuộc vào đặc điểm của vật thể bị chiếu và còn tùy vào đặc điểm của ánh sáng. Nghĩa là giữa ánh sáng và vật được chiếu có mối quan hệ nhân quả.
Nếu phân tích theo cách quy về hình khối thì mỗi vật thể bị chiếu sáng được cấu tạo bởi một hay nhiều khối khác nhau. Mỗi khối có cấu trúc, diện, cạnh khác nhau. Do đó, từ ngoại hình, bề mặt của chúng có khả năng bắt sáng và phản chiếu ánh sáng khác nhau. Từ đó cũng làm hiển thị các độ bóng khác nhau tạo thành khối hình trên vật thể mà người nhìn cảm nhận được.
Hai là: Bóng do người vẽ tạo ra, để tô lên hình vẽ phẳng, nhằm gợi cho người nhìn vào hình vẽ có ảo giác về khối, về chiều sâu, về không gian. Loại bóng này được người vẽ thể hiện mạch lạc bằng một chuỗi các độ đậm, nhạt thể hiện dưới dạng mảng, diện như: diện đậm, diện nhạt, mảng sáng, mảng tối. Ranh giới của các diện, mảng bóng chính là các gờ, cạnh của hình, diện hay mảng của các khối
C. CÁC TRẠNG THÁI CỦA ĐỘ BÓNG VÀ SỰ DIỄN TẢ BÓNG TRÊN HÌNH VẼ.
Bóng được chúng ta nhận thấy bằng mắt tùy thuộc vào chiều hướng chiếu sáng, cượng độ chiếu của ánh sáng, tính chất của khối: độ nở căng hay nhăn nhúm, bóng do sự chiếu ngược sáng, chiếu sáng một bên, chiếu sáng hai bên, chiếu bên mạnh bên yếu hay chiếu sáng đều hai bên, ánh sáng tập trung hay tản mạn hoặc mù mờ.
Nếu khi đặt mẫu để vẽ mà chúng ta tạo được ánh sáng đầy đủ cả hai bên và tạo được bên là ánh sáng chính, bên là ánh sáng phụ thì người vẽ sẽ dễ phân tích và diễn tả đúng.
Còn nếu để cho hai bên đều có hai luồng sáng mạnh bằng nhau tác động lên mẫu vẽ thì người vẽ sẽ không biết bên nào là ánh sáng chính, bên nào là ánh sáng phụ. Trường hợp này rất khó vẽ, kể cả khi bố trí mẫu vẽ ở tình huống ngược sáng ( ánh sáng từ sau mẫu chiếu tới. Vật thể đều tối đen và chung quanh là các viền sáng ).
1* Các trạng thái của bóng:
Dưới tác động tốt của ánh sáng thì chúng ta phân tích sẽ thấy bóng chiếu trên vật thể hiển thị với đầy đủ cấp độ đậm nhạt:
Ánh sáng có độ sáng nhất ( sáng trắng, tương ứng màu của giấy ).
Ánh sáng có độ sáng nhẹ, ( không sáng bằng màu giấy của nền vẽ ).
Bóng tối nhẹ ( hơi tối ).
Bóng tối trung bình.
Bóng đậm nhất ( tương ứng màu đen );
Bóng hản chiếu.
Bóng đổ, do hình của vật thể in vào mặt bằng hay các vật thể kế cận.
Thí dụ: bóng của thân thể chúng ta in xuống đất nơi mà mình đứng hay in vào bức tường mà ta đứng gần.
Độ sáng mà ta thấy nơi các ật thể là hiệu quả của nguồn sáng, của luông ánh sáng chiếu trực tiếp hay gián tiếp vào vật thể và nó phản chiếu vào mắt chúng ta. Độ sáng hắt vào mắt chúng ta mạnh hay yếu thường tùy vào các yếu tố cơ bản sau đây:
Tùy vào số lượng của nguồn sáng và hướng chiếu: hai luông sáng chiếu cùng một lúc thì mạnh hơn một luồng. Một hướng chiếu thì dễ phân tích hơn hai hướng chiếu mà không có ánh sáng chính phụ rõ ràng.
Tùy vào loại ánh sáng: tập trung hay tản mạn, ánh sáng tập trung thì mạnh hơn ánh sáng tản mạn.
Tùy vào cường độ, độ mạnh của nguồn sáng, do loại ánh sáng thiên nhiên hay nhân tạo, tùy vào loại đèn, màu của ánh sáng.
Tùy vào khả năng phản chiếu của vật thể, tùy theo từng loại diện, hình khối so với góc chiếu và tia sáng chiếu.
Tùy vào màu sắc của vật được chiếu: trắng, xám, vàng, cam, đỏ, nâu, đễn có hiệu quả tiếp nhận và phản chiếu ánh sáng khác nhau. Màu trắng, màu sáng sẽ cho độ phản chiếu đến mắt mạnh hơn màu tối, màu đậm.
Tùy vào chất liệu bề mặt của vật bị chiếu sáng. Nếu vật trong suốt như thủy tinh, pha lê thì ánh sán sẽ xuyên qua, thế là nó không tạo được sự hắt sáng, hản chiếu ánh sáng. Nếu là vật xù xì, nhám, sần, lỗ trỗ thì khi bị chiếu sáng, ánh sáng sẽ phân tán vào các phần lõm, như thế là nó cũng phản chiếu, hắt sáng nhưng rất yếu.
Thí dụ chúng ta có ba quả cầu, một bằng thạch cao trắng mịn, một bằng thạch cao trắng xì xì, một bằng thủy tinh trong suốt. Khi ấy mắt chúng ta sẽ nhận ánh sáng mạnh từ quả cầu bằng thạch cao trắng, có độ mịn. Ánh sáng từ trái cầu bằng thạch cao xù xì sẽ rất yếu, chúng ta cảm thấy trái cầu này không sáng bằng trái cầu có bề mặt mịn màng. Còn trái cầu bằng thủy tinh dương như lẫn mất vào không gian. Bởi vì, ánh sáng khi chiếu vào nó thì bị xuyên qua khối và biến mất vào không gian.
KTS- Trần Đức Vũ
Bình luận mới nhất